Để biết Chúa và biết Bạn (V): Chúa nói với ta như thế nào?

Ngôn ngữ của cầu nguyện thì bí ẩn. Chúng ta không thể kiểm soát, nhưng từng chút từng chút một, bằng kiên trì cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa biến đổi con tim mình.

Link: https://opusdei.org/en/document/to-know-him-and-to-know-yourself-v-how-god-speaks/

Trong lãnh thổ Perea, ngày nay là Giođan, trên đỉnh đồi cao hơn mực nước Biển Chết 100m, sừng sững pháo đài nguy nga của Machareus. Đó là nơi Vua Hêrôđê Antipa bỏ tù Gioan Tẩy Giả (x. Mc 6,17). [1] Trong ngục sâu lạnh lẽo và ẩm thấp đẽo trong đá, bóng tối và thinh lặng bao trùm. Gioan bị dày vò bởi suy nghĩ liên tục lặp đi lặp lại này: thời gian trôi qua mà Giêsu vẫn chưa mặc khải mình rõ ràng như Gioan từng hy vọng. Gioan nhận được tin tức về những việc làm vĩ đại của Người (x. Mt 11,2), thế nhưng dường như Giêsu không tỏ vẻ là Đấng Mêsia. Và khi dân chúng hỏi trực tiếp, Người vẫn lặng thinh. Chẳng lẽ Gioan đã lầm sao? Nhưng Gioan đã thấy mọi sự quá rõ ràng cơ mà! Gioan đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người (x. Ga 1,32-43). Vì thế, Gioan gửi một vài môn đệ đi hỏi Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3).

Chúa Giêsu trả lời bằng một cách không thể ngờ. Thay vì đưa ra câu trả lời rõ ràng, Người hướng sự chú ý của họ đến những việc làm của Người: “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” Mặc dù có chút ẩn ý, nhưng lời đáp của Đức Giêsu đủ rõ đối với những ai biết lời tiên tri trong Sách Thánh ám chỉ sự xuất hiện của Đấng Mêsia và Vương Quốc của Người. “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên!” (Is 26,19). “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is 35,5). Chúa Giêsu khích lệ Gioan hãy tin tưởng Người: “Và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11,6).

Trong bối cảnh ấy, chúng ta có thể thấy một sự tương đồng với những ai thấy khó có thể nhận ra tiếng Chúa nói trong lúc cầu nguyện. Khi chúng ta thấy chính mình trong tình huống như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình, từ bỏ lòng mong muốn của bản thân đối với những xác tín nhân loại mà bước vào cuộc phiêu lưu mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta qua hành động và qua Thánh Kinh. Trong lời nói cuối của Chúa Giêsu - “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi”, chúng ta khám phá lời mời gọi bền đỗ với lòng tin tưởng trong cầu nguyện, ngay cả đôi khi Chúa dường như không trả lời rõ ràng như ta mong đợi.

Hành động có thể phá vỡ “thinh lặng”

Khi bắt đầu cầu nguyện, người ta thường đối mặt với sự “thinh lặng” bề ngoài của Thiên Chúa. “Tôi nói chuyện với Người, tôi kể cho Người nghe những lắng lo của tôi. Tôi hỏi Người về những việc nên làm, nhưng Người không trả lời tôi. Người chẳng nói gì với tôi cả.” Đây cũng là lời than thở của ông Gióp: “Con kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp lời, con trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm” (Gióp 30,20). Thật dễ bối rối: “Tôi vẫn nghe bảo rằng cầu nguyện là một cuộc đối thoại, nhưng Chúa chẳng bao giờ nói với tôi điều gì cả. Nếu Chúa nói chuyện với ai đó…, tại sao Người không nói với tôi? Tôi đang làm điều gì sai chăng?” Những hoài nghi này của người cầu nguyện đôi khi có thể dẫn đến cám dỗ mất lòng cậy trông. “Nếu Chúa không trả lời tôi, tại sao tôi phải cầu nguyện?” Và nếu sự thinh lặng này được hiểu là sự vắng mặt của Thiên Chúa, điều ấy thậm chí trở thành một cám dỗ nghịch lại đức tin: “Nếu Chúa không nói với tôi, chắc Người cũng không tồn tại.”

Chúng ta có thể nói gì để trả lời tất cả những câu hỏi trên? Trước hết, thật vô lý khi chối từ sự tồn tại của Thiên Chúa do sự im lặng bề ngoài của Người. Thiên Chúa có thể chọn im lặng vì một lý do nào đó, và điều ấy không ảnh hưởng đến sự tồn tại hay không tồn tại của Người, cũng như không ảnh hưởng đến tình yêu Người dành cho chúng ta. Tin tưởng Chúa – và tin tưởng vào lòng nhân lành của Người – là điều quyết định. Trong mọi hoàn cảnh, thật tốt để khẩn cầu Người, với tất cả niềm tin và tín thác: “Lạy Thiên Chúa, xin đừng làm thinh; xin đừng nín lặng ngồi yên, lạy Thiên Chúa!” (Tv 83,1-2)

Chúng ta không nên nghi ngờ khả năng lắng nghe tiếng Chúa của bản thân. Trái tim con người có khả năng cần thiết, với sự giúp đỡ của ân sủng, để nghe Chúa nói với ta, cho dù khả năng này bị lu mờ bởi tội nguyên tổ và tội cá nhân của ta. Chương đầu tiên trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo có tựa đề “Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói trong một buổi tiếp kiến chung: “Con người, như truyền thống tư tưởng Kitô giáo vẫn nói, thì “ capax Dei ”, có khả năng nhận biết Thiên Chúa, và nhận lãnh hồng ân Người ban tặng. Thật vậy, được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người có thể sống trong mối tương quan cá vị với Thiên Chúa.” [2] Đó là mối tương quan cá vị có hình thức như một cuộc đối thoại bằng lời nói và hành động. [3] Và đôi khi chỉ bằng hành động, tương tự như trong tình yêu giữa con người với nhau.

Ví dụ, như ánh mắt nhìn nhau giữa hai người cũng có thể là một cuộc đối thoại thinh lặng (có những cái nhìn nói lên điều gì đó thật rõ ràng); do đó cuộc đối thoại tin tưởng giữa ta với Chúa cũng có thể diễn ra theo cách thức này: ta ngắm nhìn Chúa và nhận ra rằng Chúa đang nhìn ta. Như cách Chúa Giêsu nhìn Gioan, ánh nhìn đã thay đổi vĩnh viễn cuộc đời người môn đệ.” [4] Sách Giáo lý nói rằng “chiêm niệm là cái nhìn của đức tin.” [5] Và thường thì, với tình yêu và ánh sáng cho cuộc đời ta, một ánh nhìn có thể quan trọng và ý nghĩa hơn là một chuỗi dài lời nói. Thánh Josemaria, khi chia sẻ về niềm vui có từ đời sống chiêm niệm, đã nói rằng “linh hồn lại vỡ òa một lần nữa trong một bài ca, một bài ca mới, vì linh hồn cảm nhận và biết rằng nó đang đắm mình dưới ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa, suốt cả ngày dài.” [6] Là “những hành khất của Chúa,” [7] chúng ta khiêm tốn nài xin rằng, ngoài việc nhận biết chân lý, chúng ta cũng có thể “cảm” được rằng tình yêu Thiên Chúa luôn ngắm nhìn chúng ta.

Xưa nay chưa từng có ai nói năng như ông ấy

Thánh Têrêsa Calcutta nói rằng: “Chúng ta thưa chuyện với Chúa trong khẩu nguyện; Chúa nói chuyện với chúng ta trong trí nguyện. Rồi Thiên Chúa đổ tràn đầy Người trong chúng ta.” [8] Đây là nỗ lực giải thích điều không thể giải thích bằng lời. Thực tế, cầu nguyện là một mầu nhiệm vĩ đại. Cuộc “gặp gỡ huyền bí” này giữa Thiên Chúa và người cầu nguyện diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau. Một vài cách thức khó phân loại và không thể hiểu hoặc giải thích trọn vẹn. Như Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói về mầu nhiệm cầu nguyện: “Chúng ta phải cảnh giác để khỏi bị lây nhiễm những não trạng của thế gian này, chẳng hạn có người cho rằng chỉ những gì lý trí và khoa học chứng minh được mới là chân lý, trong khi cầu nguyện là một mầu nhiệm vượt quá cuộc sống ý thức và vô thức của con người.” [9] Như Thánh Gioan Tẩy Giả, chúng ta thường lo lắng tìm kiếm sự thật dựa trên những minh chứng không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy trong cõi siêu nhiên.

Cách Thiên Chúa chọn để nói với linh hồn ta vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, và chúng ta không bao giờ có thể thấu hiểu hoàn toàn được. “Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới!” (Tv 139, 6). Bảng chữ cái chúng ta đang sử dụng không phải là bảng chữ cái của Thiên Chúa, ngôn ngữ chúng ta dùng chẳng phải là ngôn ngữ của Người. Khi Thiên Chúa nói, Ngài không cần các dây thanh âm; chúng ta nghe tiếng Người không phải bằng đôi tai nhưng từ nơi sâu thẳm và huyền nhiệm nơi con người chúng ta. Nhiều khi chúng ta gọi đó là tiếng nói của con tim, hoặc là tiếng lương tâm. [10] Thiên Chúa nói với ta từ thực tế của Người, và đến với thực tại của ta. Một ngôi sao có tương quan với những vì sao khác không phải qua ngôn từ, nhưng bằng lực hấp dẫn. Thiên Chúa không cần nói với chúng ta bằng lời, mặc dù Người có thể làm thế. Người nói bằng những công trình của Người và bằng những hành động bí ẩn của Thánh thần trong tâm hồn ta, lay động trái tim ta, khuấy động cảm xúc và soi sáng trí hiểu của ta để nhẹ nhàng lôi cuốn ta đến với Người. Điều ấy có thể đã xảy ra ngay từ đầu nhưng chúng ta không nhận ra. Với thời gian, Chúa sẽ giúp chúng ta nhận ra hành động của Người trong ta. Chẳng hạn Người sẽ giúp ta kiên nhẫn hơn, thấu hiểu hơn, hoặc làm việc tốt hơn, hay coi trọng tình bạn hơn… Tóm lại, tình yêu ta dành cho Chúa sẽ ngày càng triển nở mạnh mẽ hơn.

Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói rằng, với một người cầu nguyện, “ơn đầu tiên Chúa ban là tâm hồn người ấy được biến đổi.” [11] Việc biến đổi này thường diễn ra chầm chậm, từng chút một, và nhiều khi không thể nhận ra, tuy nhiên hoàn toàn chắc chắn và chúng ta phải học cách nhận ra và tạ ơn vì điều ấy. Đó cũng là những gì mà Thánh Josemaria đã làm vào ngày 07/08/1931: “Hôm nay, Giáo phận cử hành lễ Chúa Hiển Dung. Khi dâng ý Lễ, cha đã ghi nhận sự biến đổi nội tâm mà Thiên Chúa đã ban cho cha trong những năm tháng cư trú tại ex-Court… và cha có thể nói là sự biến đổi ấy đã xảy ra mà không cần sự cộng tác của bản thân cha. Sau đó, cha nghĩ rằng cha lại quyết tâm dâng hiến trọn đời cha để chu toàn Ý Chúa.” [12] Việc nhận ra sự “biến đổi nội tâm” trong cầu nguyện là một trong những cách Chúa nói với chúng ta… và đó quả là một cách tuyệt diệu! Khi ấy, chúng ta hiểu ra điều những vệ binh Đền thờ nói với các thượng tế về Đức Giê-su: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy” (Ga 7,46). Không ai có thể nói như Thiên Chúa: bằng cách biến đổi con tim chúng ta.

Lời Thiên Chúa là lời “sống động và hiện hữu” (Dt 4,12). Lời ấy biến đổi chúng ta, và hành động của Thiên Chúa nơi tâm hồn ta vượt trên sự hiểu biết của ta. Như Thiên Chúa đã nói qua ngôn sứ Isaia: “Trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cao hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời, không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 9-11). Hiệu lực huyền diệu này là một lời mời gọi chúng ta triển nở trong khiêm tốn, đó là “nền tảng của cầu nguyện. Chỉ khi chúng ta khiêm tốn nhận ra rằng ‘chúng ta không biết cách cầu nguyện sao cho nên’, chính lúc đó chúng ta sẵn sàng đón nhận một cách tự do hoa trái của cầu nguyện.” [13] Chúng ta sẵn sàng mở lòng mình trong tín thác cho hành động của Thiên Chúa.

Sự tự do siêu phàm của Thiên Chúa

Thiên Chúa lên tiếng khi Người muốn. Chúng ta không để đặt giới hạn cho Chúa Thánh Thần. Bàn tay ta không thể điều khiển hành động của Người trong tâm hồn ta. Có lần, Thánh Josemaria nói rằng Chúa Kitô hiện diện trong nhà tạm “là Thiên Chúa lên tiếng khi Người muốn, vào lúc ta ít mong đợi nhất, và Người nói những điều cụ thể. Rồi Người thinh lặng, vì Người muốn ta đáp lại bằng lòng tin tưởng và trung tín.” [14] Vì chúng ta “đi vào cầu nguyện” không qua cửa lớn của các giác quan – thị giác, thính giác, cảm giác – nhưng “qua cửa hẹp của đức tin”, [15] thể hiện trong sự quan tâm và lòng kiên trì mà chúng ta đặt để vào thời gian cầu nguyện. Và dù chúng ta có thể không ngay lập tức nhận ra, nhưng lời cầu nguyện của chúng ta luôn sinh hoa trái.

Điều ấy thường xảy ra với Đấng Sáng lập Opus Dei. Ví dụ, ngày 16/10/1931, cha bảo chúng tôi: “Cha muốn cầu nguyện sau Thánh Lễ, trong ngôi thánh đường tĩnh mịch. Thế nhưng cha không thể cầu nguyện được. Trên đường Atocha, cha mua một tờ báo (ABC), rồi lên xe điện. Cho đến lúc ấy, như cha viết những dòng này, cha không thể đọc được hơn một đoạn trong tờ báo ấy. Cha đột nhiên cảm nhận một lời cầu nguyện với cảm xúc dạt dào và nồng cháy dâng trào trong cha. Đó là lúc cha ở trong xe điện, trên đường về nhà.” [16] Thánh Josemaria đã cố gắng cầu nguyện trong một nơi tĩnh mịch. Thế nhưng, vài phút sau đó, giữa sự xô bồ và hối hả của chuyến xe đông đúc, khi bắt đầu đọc báo, Ngài mới được ân sủng Thiên Chúa cuốn lấy và trải nghiệm “lời cầu nguyện siêu phàm nhất” trong cuộc đời, như lời tường thuật của Ngài.

Nhiều vị thánh khác cũng làm chứng về sự tự do của Thiên Chúa khi nói chuyện với tâm hồn bất cứ khi nào và bất kỳ nơi nào Người muốn. Ví dụ Thánh Têrêsa Avila kể trong quyển “Đời tự thuật”: “Tôi tự cười mình và cảm thấy dễ chịu khi nhận ra rằng linh hồn có thể chìm sâu đến mức nào khi Thiên Chúa không hoạt động nơi ấy. Trong tình trạng đó, linh hồn nhận ra rõ ràng rằng trong linh hồn lúc ấy không có Chúa: điều này không giống như những thử thách khắc nghiệt mà tôi đã nói là tôi từng trải nghiệm đôi lần. Linh hồn thu nhặt củi và tự mình làm tất cả những gì có thể, thế nhưng không tìm ra cách để thắp lên ngọn lửa của Tình yêu Thiên Chúa. Làn khói chỉ bay lên nhờ lòng thương xót hải hà của Thiên Chúa mà thôi, điều ấy cho thấy là ngọn lửa không hoàn toàn bị dập tắt. Rồi Thiên Chúa sẽ trở lại và châm lên ngọn lửa, trong lúc linh hồn đang làm mình phát điên khi cố thổi bùng ngọn lửa và xếp thêm củi vào, vì mọi nỗ lực của linh hồn chỉ khiến ngọn lửa ngày càng lịm tắt. Tôi tin điều tuyệt vời nhất là linh hồn hoàn toàn từ bỏ thực tế rằng nếu chỉ một mình thì linh hồn chẳng thể làm được điều chi… và học hỏi bằng trải nghiệm rằng thật nhỏ bé những gì linh hồn có thể làm với chính mình.” [17]

Trong thực tế, Thiên Chúa nói với chúng ta rất nhiều lần. Hoặc nói đúng hơn, Thiên Chúa không bao giờ ngừng nói với chúng ta trong mọi thời khắc. Theo cách nào đó, học cầu nguyện chính là học để nhận ra “giọng” của Chúa trong những việc của Người, giống như Chúa Giêsu đã giúp Gioan Tẩy Giả nhận ra. Chúa Thánh Thần không bao giờ ngừng hoạt động trong tâm hồn chúng ta. Như Thánh Phaolô đã nhắc nhớ các tín hữu Côrintô: “không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Điều này làm chúng ta thấy bình an. Nhưng nếu ai đó đánh mất nhìn nhận về sự thật này thì có thể sẽ dễ nản lòng. “Một số người tìm kiếm Chúa qua cầu nguyện nhưng nhanh chóng thất vọng bởi lẽ họ không biết rằng lời cầu nguyện đến từ Chúa Thánh Thần và không đến từ chính họ.” [18] Để không bao giờ nản lòng khi cầu nguyện, chúng ta cần có một lòng tín thác vĩ đại nơi Chúa Thánh Thần và nơi những cách thức phong phú và nhiệm mầu Người hành động nơi linh hồn ta: “Chuyện nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ất không biết.” (Mc 4,26)

Jose Brage

[1] X. Flavius Joseph, Khảo cổ Do Thái , 18, 5, 2

[2] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tiếp kiến chung, 26/07/1998

[3] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2567

[4] Thánh Josemaria, ghi chép từ một buổi suy niệm, 09/01/1959; trong Khi Người nói với chúng ta lúc đi đường; tr. 87.

[5] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2715

[6] Bài giảng “Hướng về sự Thánh thiện”, trong Bạn Của Chúa , số 307

[7] Thánh Âu-tinh, Bài giảng 56, 6, 9.

[8] Thánh Têrêsa Calcutta, Không Tình yêu nào vĩ đại hơn , Thư viện Thế giới mới, tr. 5.

[9] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2727

[10] “Lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (GS 16).” Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1776

[11] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2739

[12] Thánh Josemaria, Ghi ch ép thân mật, số 217; trong Andres Vazquez de Prada, Đấng Sáng lập Opus Dei, Quyển 1, Nhà xuất Bản Scepter, 2001, tr. 287-288

[13] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2559

[14] Thánh Josemaria, Ghi ch ép trong một buổi họp mặt gia đình , 18/06/1972 (Cronica, 2000, trang 243)

[15] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2656

[16] Thánh Josemaria, Ghi chép thân mật, số 334; trong Andres Vazquez de Prada, Đấng Sáng lập Opus Dei , Quyển 1, Nhà xuất Bản Scepter, 2001, trang 294

[17] Cuộc đời Thánh Têrêsa Giêsu , dịch bởi E. Allison Peers, Image Book, chương 17, trang 216-217.

[18] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2726.